top of page

Trẻ lớp 1 viết xấu, phụ huynh đau đầu tìm lớp học thêm

Một ngày cuối tháng 5, sau giờ ăn tối, chị Phương Thùy (Cầu Giấy, Hà Nội) “tá hoả” khi mở vở luyện viết của con ra xem.


Cô bé viết nghiêng ngả, trồi lên trụt xuống, khi to khi nhỏ, chữ nọ nối chữ kia ngoằn ngoèo như ký tự tiếng Thái Lan. Lo sợ ba tháng nghỉ hè sẽ khiến con cứng tay, không theo kịp lớp khi vào năm học mới, chị dự định tìm nơi rèn chữ cho con.


Anh Ngọc Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội), phụ huynh cháu Bảo Khang, cũng từng bất ngờ và thất vọng khi một ngày được giao nhiệm vụ trông con học bài. Anh phát hiện Bảo Khang đang... vẽ chữ. Chữ O nét cong tròn khép kín, thay vì được viết bắt đầu từ trên xuống ngược chiều kim đồng hồ, Khang lại móc nét từ đáy lên đúng chiều kim đồng hồ.


"Đó không phải là chữ viết", anh Hải nói và chia sẻ đã cho con học luyện chữ đẹp từ tháng 3 với mức phí 200-300 nghìn đồng một buổi.

Chữ viết không đúng chuẩn ô li của một học sinh. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, lứa lớp 1 trên cả nước vừa trải qua phần lớn thời gian học trực tuyến trong năm học 2021-2022. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM cho trẻ tiểu học ở nhà lâu nhất. Các em chỉ đến trường học trực tiếp trong 2-3 tháng cuối năm. Bối cảnh này được các giáo viên đánh giá là ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập của trẻ lớp 1, đặc biệt ở nội dung tập viết.


Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên Tiểu học Times School (Hà Nội) cho biết, khi học online, giáo viên sẽ quay video, ghi lại chuyển động của bàn tay, ngón tay, cách cầm bút... xen lẫn lời giảng để hướng dẫn học sinh. Song, học sinh không phải lúc nào cũng tập trung vào bài giảng. Do đó, khi trực tiếp viết, các em cầm bút chưa đúng cách, trình bày sai quy chuẩn.

Cô Ngọc Anh chia sẻ thêm, việc dạy viết cho trẻ lớp một đòi hỏi quy trình tỉ mỉ, gồm ba bước. Bước một, giáo viên cho học sinh quan sát mẫu chữ, nhận xét độ rộng và độ cao. Bước hai, giáo viên viết mẫu, kết hợp hướng dẫn học sinh bằng lời. Bước ba, học sinh viết vào bảng con hoặc vở.


Yêu cầu về chữ viết đối với học sinh lớp 1 gồm: viết đúng chữ thường, cỡ vừa, cỡ nhỏ và viết đúng chữ in hoa; viết liền mạch các chữ cái trong vần và tiếng; viết đúng chữ số (từ 0 đến 9); viết đúng quy tắc các chữ có tiếng mở đầu bằng c, k, q, g, gh, ng, ngh; viết đúng chính tả đoạn thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 30-35 chữ theo các hình thức nhìn - viết (tập chép), nghe - viết, tốc độ viết khoảng 30-35 chữ/15 phút và học sinh không mắc quá 5 lỗi.


Một đoạn tập viết với nhiều lỗi chính tả của học sinh. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Cô Thanh Huyền, giáo viên dạy lớp 1 ở quận Nam Từ Liêm cho biết, năm nay, 60% học sinh lớp 1 của trường viết chữ không đạt yêu cầu. Trong khi, con số này những năm trước đó chỉ là 25-30%.


Còn cô Đặng Huyền Phong - Hiệu trưởng Tiểu học I-sắc Niu-tơn (Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Liêm) không đưa ra thống kê cụ thể nhưng cũng cho biết: "Năm nay, số lượng các con viết chưa đẹp nhiều hơn".


Lường trước được những bất cập trong việc học online, chị Hồng Vân - phụ huynh trường Tiểu học Hòa Bình (Quận 11, TP HCM) - đã dành thời gian kèm con trai luyện viết ở nhà nhưng cậu bé không hợp tác. Quá trình học lại trực tuyến ít hiệu quả nên cậu vẫn viết ngoằn ngoèo, hụt trên thiếu dưới.


"Mình bất lực, còn con mỗi khi tới giờ học online là nước mắt hai hàng. May sao, một thời gian đi học trở lại, chữ viết của con cải thiện được 80%", chị nói. Tuy vậy, chị vẫn tìm nơi gửi con luyện chữ thêm, để con viết đúng, đẹp hơn.


Chị Phương Loan, giáo viên chuyên dạy viết chữ đẹp khu vực Hoàng Mai, Gia Lâm, Long Biên cho hay, nhu cầu rèn chữ cho trẻ tăng đột ngột ngay từ đầu hè này. "Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5, học sinh chưa kết thúc nghỉ hè, số lượng phụ huynh đăng ký cho con luyện chữ đã tăng 20-30% so với cùng thời điểm các năm trước", chị nói.


Tại nhiều hội nhóm của phụ huynh tiểu học trên mạng xã hội, từ đầu tháng 4, hoạt động rủ nhau gom nhóm, mở các lớp luyện chữ để thuê cô về dạy chung cũng diễn ra sôi động. Phần lớn các cha mẹ muốn tổ chức lớp 3-5 trẻ, học tuần 2-3 buổi, vừa giúp các con giao lưu với bạn bè, vừa ôn luyện chữ viết.


Giáo viên tiểu học trực tiếp uốn nắn học sinh viết chữ trong giờ dạy trực tiếp. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Theo cô Ngọc Anh, để trẻ viết được chữ đẹp, đúng cách, không gây hại tới thị lực và xương sống, bên cạnh cách cầm bút, tư thế ngồi rất quan trọng. Giáo viên hoặc phụ huynh cần hướng dẫn các em dáng ngồi ngay ngắn; lưng thẳng, không tì ngực vào bàn hay nằm rạp xuống; đầu hơi cúi và nghiêng sang trái; hai mắt cách vở 25-30cm; hai chân để thoải mái, rộng bằng vai, song song với nhau, trọng lượng cơ thể dồn vào vùng hông và đùi; hai tay thoải mái.


Học sinh cầm bút bằng ba ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Trong đó, ngón cái giữ bên trái thân bút. Ngón trỏ đặt ở giữa thân bút, cách đầu ngòi bút khoảng 2 cm. Ngón cái và ngón trỏ có vai trò điều khiển hướng đi của bút. Ngón tay giữa đặt ở phía bên phải để đỡ bút.


Sau khi đã cầm bút đúng cách, học sinh cần giữ cổ tay cho thẳng. Hướng đặt bút theo hướng ngồi, góc bút nghiêng khoảng 45 độ so với mặt giấy. Dùng các ngón tay và cơ cổ tay để điều khiển bút khi viết. Hướng đưa bút là từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Cánh tay và cổ tay cần phối hợp nhịp nhàng với nhau để di chuyển bút theo chiều ngang.


Nữ giáo viên chia sẻ, chữ viết của trẻ lớp 1 có thể tốt lên nhờ quá trình luyện tập.


Việc luyện thực hành đều đặn, thường xuyên mỗi ngày sẽ giúp trẻ nhớ lâu và giúp cơ ngón tay, cổ tay linh hoạt hơn. "Trăm hay không bằng tay quen, luyện viết đều đặn giúp trẻ hoàn thiện các lỗi sai; từ đó, viết chữ đẹp hơn từng ngày", cô Ngọc Anh chia sẻ.


Theo Vnexpress


48 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page