top of page

Phụ huynh cho con học trước lớp 1 cả năm

Trong khi nhiều nhà căng thẳng cho con rèn chữ, luyện đọc trước khi vào lớp 1, chị Đặng Thị Dinh thấy nhàn tênh vì đã cho con đi học từ năm ngoái.


Hôm 1/7, sau khi hoàn thành hồ sơ vào lớp 1 cho con, chị Dinh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cảm thấy nhẹ nhõm. Con gái chị đã đọc, viết tốt, biết các số trong phạm vi 100 và có thời gian học đàn, bơi, tiếng Anh.


"Chuẩn bị sớm nên con sẽ không bị vội vàng và áp lực", chị Dinh nói. Cách đây 4 năm, khi con gái lớn vào lớp 1, chị Dinh không cho con học trước vì nghĩ trước sau cũng biết chữ. Nhưng khi vào lớp, các bạn hầu như đã đọc thông, viết thạo, còn con chị vẫn ê a đánh vần. Để theo kịp bài trên lớp, hàng tối, mẹ con chị đánh vật với tập viết, tập đọc.


"Con khóc lóc, mẹ hò hét. Hầu như tối nào cũng đến 22h, có hôm 23h mới dừng để đi ngủ", chị Dinh kể. Vì thế, lần này chị rút kinh nghiệm, cho con út đi học trước từ hè năm ngoái.

Chị Dinh là một trong nhiều phụ huynh cho con học trước chương trình lớp 1. Trong nhóm phụ huynh có con sinh năm 2017 với hơn 240.000 người trên Facebook, chủ đề học tiền tiểu học, học sớm được bàn luận sôi nổi


Bài tập viết của một học sinh lớp tiền tiểu học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2023-2024, số học sinh vào các lớp đầu cấp đều tăng so với năm trước. Riêng lớp 1, thủ đô có khoảng 155.600 học sinh, tăng hơn 11.000. Ở nhiều tỉnh, thành, tình trạng cũng tương tự. Sĩ số theo quy định ở tiểu học là 35 học sinh/lớp, nhưng ở một số khu vực thành thị, con số này lên tới 40, thậm chí 50.


Ngoài ra, học sinh lớp 1 hiện theo chương trình phổ thông mới (chương trình 2018), được đánh giá là "nặng" hơn trước kia.


Lo lớp đông, con không theo kịp chương trình thay đổi, chị Nguyễn Hồng Linh ở Hưng Yên cho con học tiền tiểu học từ tháng 5 năm ngoái. Con trai chị hiếu động, không tập trung, chị kèm ở nhà không được.


"Cô có kỹ năng sư phạm sẽ dạy con đúng cách hơn. Con học một tuần 5 buổi, mỗi buổi 2 tiếng", chị Linh kể. Sau mỗi buổi, cô giao bài về nhà, viết thêm 1-2 mặt giấy, tập đọc, tập đếm, tập làm Toán. Con chị bây giờ biết cộng trừ trong phạm vi 20, đánh vần được. Người mẹ nhận định như vậy đủ hành trang để con vào lớp 1.


Chị Phạm Thanh Hương ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cũng yên tâm vì sau 4 tháng học kèm 1:1, con trai chị đã học xong sách tiếng Việt tập 1, đọc tạm ổn.


"Cô nói con đã đủ kiến thức vào lớp 1, nên nghỉ học thêm", chị Hương cho hay. Dù vậy, vì cho rằng con viết chữ chưa đẹp, làm Toán còn chậm, nên chị Hương đang tự kèm thêm.


Học sinh lớp 1, trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP HCM, trong ngày đầu đến trường tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hội Hợp B, Vĩnh Phúc, nói việc phụ huynh cho con học trước lớp 1 khá phổ biến. Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên lớp 1, trường Tiểu học Times School, Hà Nội, cũng nhận thấy nhiều em đã đọc và làm tính thành thạo trước khi vào học. Những trẻ chưa học, chưa thuộc chữ cái có thể bị thiếu tự tin.


Ngoài ra, sách giáo khoa mới vẫn dạy từng chữ cái nhưng tốc độ nhanh, có bài 2 vần hoặc 4 vần. Trước đây, chương trình yêu cầu hết học kỳ 2, học sinh đọc trơn được một đoạn nhưng bây giờ nhiệm vụ đó phải hoàn thành ở học kỳ 1 để sang kỳ sau là đọc hiểu. Là giáo viên, bản thân cô còn áp lực.


"Tâm lý của bố mẹ muốn cho con đi học để tự tin hơn tôi thấy cũng hợp lý", cô Ngọc Anh chia sẻ. "Tùy vào năng lực và nhận thức của con, các bố mẹ sẽ tự quyết định xem con có cần đi học hay không", cô Ngọc Anh nói.


Bị chỉ trích vì cho con học sớm, đánh mất tuổi thơ của con, chị Dinh bỏ ngoài tai tất cả. Chị tin rằng có sự chuẩn bị trước vẫn hơn. Thay vì tập đọc, viết gấp rút trong 1-2 tháng, tại sao không để con quen và ngấm dần trong khoảng thời gian dài hơn.


"Ít ra bây giờ mẹ con tôi cũng đủng đỉnh, không phải thấp thỏm việc con có đọc, viết được không", chị nói.


Chị Linh và chị Hương, cũng thấy nhẹ nhàng bởi nhận định vào năm học mới sẽ không phải ép con tập đọc, rèn chữ mỗi tối. Với lo ngại các con sẽ có tâm lý chủ quan và lơ là, cả hai cho hay sẽ lên kế hoạch sát sao, yêu cầu con làm đủ bài vở trên lớp.

.

Theo VNExpress

4 views0 comments

Kommentare


bottom of page